Những điều cần biết khi mua điện thoại Android (cả mới và đã qua sử dụng)

Sau đây là bài viết mình sưu tập được và mình muốn chia sẻ cho các bạn để có thể yên tâm khi đi mua một chiếc điện thoại Android mới hoặc cũ. Bài dài nên các bạn chịu khó đọc hết nếu là người chưa biết gì nhiều và đang có ý định mua một chiếc điện thoại android để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra khi mua điện thoại đã qua sử dụng nhé. Trong bài viết, mình sẽ hướng dẫn cách tìm mua và kiểm tra máy Android mới (bởi như hàng xách tay, hoặc thậm chí là cả máy mới ở các cửa hàng lớn cũng vẫn có khả năng bị lỗi), phương thức kiểm máy đã qua sử dụng (used, like new) được rao bán trên mạng hay mua lại của một ai đó mà bạn quen biết. Những kinh nghiệm trên sẽ giúp bạn không bị lừa (hoặc do người bán không biết rõ về máy của họ nên nói sai) mà mua phải hàng nhái, hành dựng, hàng lỗi hỏng.


A. Một số thông tin chung

Với máy mới vì sao vẫn cần phải kiểm tra? Lí do là vì máy mới vẫn có thể bị lỗi hay hỏng, mà mua về dùng một thời gian mới phát hiện thì chúng ta lại mất công bảo hành tốn thời gian và tiền bạc, máy bị bung khi sửa thì càng phiền và mất giá trị máy nữa.

Bạn có một khoản tiền eo hẹp chỉ đủ mua dòng máy A (hoàn toàn mới) nào đó, nhưng cũng với khoản tiền đó bạn có 2 lựa chọn khác tốt hơn, đó là:

1. Mua máy đã qua sử dụng (used, like new) 

cấu hình ngon hơn mới được xài vài tuần hoặc vài tháng và còn hạn bảo hành dài (bảo hành tại cửa hàng hay chính hãng còn tùy vào nguồn gốc của máy). Trong trường hợp này, máy gần như còn rất mới vì người ta chỉ dùng lướt qua, vì lý do chán hay không hợp mà bán đi.

Ví dụ: một máy Samsung Galaxy S4 chính hãng giá mới là gần 16 triệu đồng, nhưng máy đã dùng rồi và còn bảo hành trên 8 tháng thì chỉ có giá từ 11tr đến hơn 12tr tùy ngoại hình và thời gian bảo hành. Nếu bạn có ý định mua về dùng vài tháng rồi bán đi thì cũng không mất giá quá nhiều. Các bạn lưu ý rằng máy mới mua mang ra khỏi tiệm thì cũng đã mất giá đáng kể rồi, nên với những bạn hay đổi máy thì cách này sẽ tốn ít chi phí hơn rất nhiều.

2. Hàng xách tay là lựa chọn tốt thứ 2 

Vì có giá mềm hơn hàng chính hãng trong nước, hiện này hàng xách tay được bán rất nhiều trên thị trường từ nhiều nguồn khác nhau nên không thể biết được nguồn gốc và chất lượng thật sự của chúng

Mẹo tìm kiếm dòng máy bạn cần mua trên Google: bạn gõ XXX YYY ZZ, trong đó:

-XXX là tiền tố (viết tắt hoặc đầy đủ) tỉnh thành bạn cần mua (vd: HCM (tp.HCM), HN(Hà Nội), BH(biên hòa)…)

-YYY là tên máy viết càng đơn giản càng tốt (nhưng phải rõ ràng vd: Galaxy s2, GL L9, Sky A820s…)

-ZZ là màu máy nếu bạn muốn tìm màu theo sở thích, cái này không cần thiết cũng được.
Ví dụ bạn cần tìm 1 chiếc HTC One màu đen ở Sài Gòn, bạn chỉ cần việc gõ tìm "hcm htc one đen (hoặc black)". Để tối ưu kết quả gần đây nhất thì bạn nên chọn thời gian trong vòng 1 tháng, 1 tuần hoặc 24 giờ qua… để tránh các bài rao xa xưa máy đã bán lâu. Hoặc trong www.nhattao.com có bộ lọc giá rất thông minh, bạn chỉ cần lựa chọn khoảng giá theo sức của bạn là hiện ra các kết quả mới nhất theo khoảng giá đó.

Nếu bạn xác định mua máy để root và vọc vạch thì nên tìm những dòng máy phổ biến của những hãng nổi tiếng (đã có cách root dễ dàng và được nhiều developer hỗ trợ nhiều về rom và phần mềm), chứ mua máy gì gì đó về mà tìm cách root không ra cũng buồn 
Lưu ý:
Nên mua bán tại nhà riêng hoặc địa chỉ cửa hàng cụ thể rõ ràng, tránh mua bán ngoài đường.
Nên đi 2 người để đề phòng trường hợp xấu như lừa đảo cướp giật (mình đi nhiều rồi nhưng chưa gặp bao giờ nên bạn đừng quá lo lắng).
Chú ý là bạn nên thận trọng với những nơi bán máy quá rẻ (>30% nếu là máy mới và >40% đối với máy used) so với giá trị thực. Trong trường hợp đó, bạn nên xem xét cẩn thận những người bán này vì nhiều khả năng họ đang bán hàng nhái hoặc hàng lỗi, hàng dựng

B. Mẹo nhận biết và kinh nghiệm khi mua điện thoại Hàn Quốc xách tay

Đối hàng xách tay từ Hàn Quốc về thì đa số là máy cho thị trường nội địa, những máy này nếu đang dùng ROM (phiên bản phần mềm) gốc thì thường có rất nhiều ứng dụng Hàn trong máy. Ngoài ra chúng còn bị áp giới hạn nhắn tin không quá 80 ký tự trong một tin nhắn. Những vấn đề này là do phần mềm và có thể fix bằng rom cook. Đặc điểm dễ nhận biết của máy Hàn đó là chúng thường có thêm ăng-ten để xem tivi (cái này vô dụng ở VN), sau máy thường có in thêm ký tự hay logo lạ của nhà mạng hoặc chữ 4G hoặc LTE, miếng tem sau pin cũng toàn tiếng Hàn.

Máy bản Hàn Quốc có ăng-ten như thế này, các máy khác tương tự​

Thường thì máy Hàn nội địa trong bộ phụ kiện sẽ đi kèm 2 pin và 1 dock sạc pin dự phòng, với những ai mua lại máy cũ thì sẽ hay bị thiếu cái này. Lưu ý thêm: Đối với bạn nào thích vọc ROM, máy Hàn thường có ít ROM cook hơn bản quốc tế cùng loại và vì thế cũng được hỗ trợ ít hơn về phần mềm, bù lại có một số bản Hàn lại có cấu hình khủng hơn bản quốc tế và giá cũng mềm hơn (ví dụ như Galaxy S4 LTE-A chẳng hạn). Vậy nên lựa chọn bản Hàn hay bản quốc tế là do khả năng và sở thích của bạn. Mình khuyên anh em nên tìm hiểu kỹ thông tin về dòng máy đó trước khi mua

Trong hình trên, dock sạc kiêm đế dựng máy nằm ở hàng trên, bìa trái. Cạnh đó là hai viên pin rời. Ảnh chụp từ hộp của chiếc Pantech Sky VEGA Iron Hàn Quốc​

C. Quan tâm đến thời hạn bảo hành của máy

Nội dung tiếp theo cần quan tâm đó là bảo hành của chiếc điện thoại mà bạn định mua:

Đối với máy đã qua sử dụng có nguồn gốc từ cửa hàng thì bạn nên kiểm tra tem, giấy tờ liên quan như phiếu bảo hành để đảm bảo quyền bảo hành (nếu máy còn hạn bảo hành) và chứng thực nguồn gốc xuất xứ máy. Một số trường hợp máy bảo hành chính hãng theo số IMEI nên bạn chỉ cần xem còn nguyên tem hay không là được.

Riêng với máy Samsung thì bạn nhắn tin số IMEI đến 6060 để xem thời hạn bảo hành online nếu là máy chính hãng samsung VN.

Với thiết bị của Sony, các bạn truy cập vào trang web này http://www.sony.com.vn/microsite/warranty_period/index.html chọn chủng loại sản phẩm là Điện thoại Xperia, nhập số IMEI vào để xem thời hạn bảo hành.

Với thiết bị của LG, gọi đến số 18001503 (miễn phí), đọc số IMEI thì và yêu cầu nhân viên tổng đài kiểm tra thời hạn bảo hành cho bạn.

Với máy HTC thì bạn hãy liên hệ đến đường dây nóng +84 1900 555 567, yêu cầu check IMEI và thời hạn bảo hành cho bạn.

Đối với máy mua qua nguồn như xách tay (do người thân bên bán ở nước ngoài gởi về nên không có bảo hành), máy hết bảo hành… thì mua bán dựa theo niềm tin là chính, nên tìm người bán có địa chỉ cư trú rõ ràng (mua bán tại nhà) và hỏi xem chế độ hậu mãi của người đó như thế nào, thường thì họ sẽ bao test từ vài ngày đến vài ba tháng ( nghĩa là trong thời gian đó bạn được quyền trả máy lại nếu có lỗi, không bao test thì không nên mua). Điều này 2 bên cần thỏa thuận rõ khi mua bán để tránh phiền phức sau này. Đối với máy mua còn bảo hành như trường hợp đầu bạn vẫn có thể yêu cầu bao test được nhưng thường trong thời gian ngắn.

D. Quan trọng: cách kiểm tra máy trước khi mua

Sau đây đến phần quan trọng thứ nhì cần quan tâm: đó là test máy. Chú ý bạn test càng kỹ bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu, tránh khỏi các trường hợp đáng tiếc khi mang về dùng rồi mới biết máy lỗi hỏng. Với những ai bán máy mà để cho bạn test thoải mái thì họ tự tin là máy họ tốt không lỗi lầm gì, còn với những người viện cớ này nọ mà không muốn bạn test máy kỹ hay biện cớ là bận này nọ yêu cầu bạn test nhanh thì xin hãy cẩn thận vì rất có thể máy có vấn đề nên họ không muốn bạn test kỹ.

Đầu tiên là xem về hình thức máy:
Nếu bạn xác định tìm mua một máy nào đó thì bạn nên mượn một máy chính hãng tương tự để xem trước và ghi nhớ các chi tiết đặc trưng về ngoại hình và chất lượng gia công của nó như: nước sơn, bề mặt, chất liệu, nét in chữ hoặc logo trên máy có tinh xảo hay không để tiện so sánh. Còn về tem bảo hành thì chắc nhiều bạn cũng biết nhưng tem có quá nhiều loại nên chúng ta khó mà phân biệt được trừ khi bạn đã xem trước con tem này trên một máy chính hãng tương tự. Nhớ để ý các con ốc (nếu có) có bị trầy hay không và xem các mép ghép của máy có hiện tượng bị nạy hay không. Đây sẽ là dấu hiệu giúp bạn phát hiện máy đã từng bị bung (để sửa hoặc tráo linh kiện) hay chưa.

Tiếp theo là so sánh phần mềm và tính năng bên trong máy
Các bạn nên nhớ: Máy nhái chỉ nhái được giao diện chứ chức năng sẽ không nhái hoàn toàn được. Ví dụ như các máy Samsung Galaxy thường có các tính năng rất hay ho như nghĩ thông minh, dừng thông minh, đa nhiệm nhiều cửa sổ… Tương tự trên các máy của LG, HTC hay Sky cũng có các tính năng riêng đi theo từng dòng máy mà máy nhái thì không thể nhái hết được các tính năng này. Bạn nên xem qua trang web của nhà sản xuất trước khi đi mua, bởi trên web sẽ liệt kê hết những tính năng đặc trưng cho dòng máy mà bạn đang "chấm", và một khi đã biết những tính năng đó thì việc test sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Trừ chiếc nhái Galaxy S3 và S4 nhái cũng có được một số tính như máy thật, cái này thì hơi nguy hiểm nên bạn phải thật cẩn thận.

Các bạn lưu ý, cách test các tính năng đặc trưng chỉ áp dụng với các máy đang dùng ROM gốc (ROM chính hãng) chứ dùng ROM cook thì chịu vì thường mất hết các tính năng đặc trưng của các dòng máy.

Ngoài ra, bạn cũng cần phải xem số IMEI của máy. Chúng ta cần so sánh với IMEI trên hộp với IMEI in trên máy bằng cách vào thông tin thiết bị (About phone) trong phần cài đặt (Setting), hoặc bấm *#06# trong trình gọi điện của máy. Hộp của máy chính hãng mua trong nước sẽ in bằng tiếng Việt và thường có seal (đã rách với hộp đã mở).

Kiểm tra chống nước cho thiết bị (điều kiện rất quan trọng để máy có được bảo hành hay không)
Máy không có chức năng chống nước: Trên máy thường có một miếng giấy quỳ bé tí dán trên mép của pin hoặc dán trên máy phần gắn pin hoặc nói chung là mở nắp pin ra thì nó sẽ nằm mặt sau của máy đối với những máy tháo được nắp pin. Với các máy có thiết kế nguyên khối (unibody) thì thường mảnh giấy quỳ sẽ được nhìn thấy qua lỗ jack cắm tai nghe. Nếu máy đã bị vào nước thì miếng giấy quỳ sẽ có màu tím hoặc hồng, còn chưa bị vào nước thì nó vẫn nguyên màu trắng tinh.
Máy có khả năng chống nước: cũng tương tự như trên nhưng đặc biệt giấy quỳ sẽ được dán ở những nơi được bảo vệ kín nước với nắp có ron cao su bịt kín như nắp pin hoặc nắp đậy các cổng kết nối. Muốn xem được bạn phải tháo các nắp này ra.
Kế đó là kiểm tra phần cứng của thiết bị

Các thành phần cần phải được kiểm tra:
- Màn hình: test xem có điểm ảnh chết màu đen (hoặc trắng) không, xem độ sáng và đều màu của màn hình, test cảm ứng.
- Khe sim và thẻ nhớ (nếu có): chỉ cần cắm sim và thẻ vào vào xem máy có nhận không là được (“nhận” ở đây là nghe gọi được, và đọc ghi được dữ liệu trong thẻ).
- Đèn LED thông báo (nếu có): thường sáng khi có thông báo hoặc cắm sạc.
- Loa, microphone: test đơn giản như gọi thử một cuộc gọi, thử ghi âm, bật nhạc…
- Phím cứng, mềm: ta chỉ cần việc bấm để test.
- Khả năng rung: bật chế độ rung và gọi đến máy đó.
- Camera trước, sau: bật camera rồi thử quay và chụp hình, nhớ bật flash LED lên để thử đèn chụp đêm luôn nhé các bạn
- Wi-Fi, 3G: tìm nơi có hai loại kết nối này để thử vào mạng. Lưu ý là khi kiểm tra wifi thì nhớ tắt 3g và ngược lại để hạn chế tình trạng chồng chéo kết quả.
- Bluetooth: thử kết nối và trao đổi một file nhẹ với một máy nào đó.
- GPS: bật Google Maps rồi ra đứng chỗ quang đãng, ngoài trời và nhớ tắt Wi-Fi vì Wi-Fi cũng dùng để định vị được, nếu định vị được bằng gps thì bán kính sẽ trên dưới 10m.
- NFC: dùng 1 máy có nfc khác và bật tính năng này lên trên cả 2 vào áp lưng vào nhau xem có nhận nfc hay không.
- Phụ kiện tai nghe, sạc, cáp usb, dock… cái này chắc ai cũng biết test.
- Cảm biến: bao gồm cảm biến ánh sáng, cảm biến tiệm cận, cảm biến trọng lực, cảm biến la bàn số, cảm biến con quay... tùy dòng máy có trang bị những loại cảm biến nào mà bạn test theo cảm biến đó (xem cách test bằng phần mềm ở dưới).

Cách test nhanh và bài bản nhất là dùng phần mềm, sau đây mình xin giới thiệu một số phần mềm nhẹ và miễn phí (trên Google Play) để test máy:

1. Phone Tester:
Link tải về: https://play.google.com/store/apps/details?id=com.mtorres.phonetester

Phần mềm này bao gồm những bài test các loại cảm biến (sensors), thông tin mạng wifi đang kết nối, thông tin về sóng, sim nhà mạng đang dùng, thông tin GPS (bật GPS lên và bắt được vệ tinh thì trong này sẽ hiện số vệ tinh, tọa độ và nhiều thông tin khác), thông tin pin, cảm ứng đa điểm trên màn hình, và cuối cùng là thông tin cơ bản của máy (model, RAM, CPU, màn hình, hệ điều hành)


Ở màn hình thông tin thiết bị - System Information: các bạn nên chú ý tên CPU, RAM, độ phân giải màn hình (dimensions) vì thường máy nhái các thành phần này không giống máy thật. Còn cấu hình thì như mình đã nói ở trên, nên lên website của hãng sản xuất xem và so sánh là chính xác nhất.

Ở màn hình thông tin cảm biến - Sensors Status: nếu các cảm biến hoạt động bình thường các thông số dao động liên tục, trừ cảm biến ánh sáng và tiệm cận thì ta phải dùng tay che 2 cảm biến này lại (2 cảm biến này thường nằm gần loa) thì thông số mới thay đổi.

Ở màn hình Multi-touch test: chúng ta có thể chạy kiểm tra màn hình cảm ứng có nhạy không, nhận được bao nhiêu ngón tay.

[BLlink tải[/B] 
2. Ứng dụng CPU / RAM / DEVICE Identifier

Nhiều phần mềm có thể bị máy đánh lừa để hiện tên CPU giả nhưng với phần mềm này thì gần như chính xác tuyệt đối, nó thể hiện rất chi tiết các thành phần như tên CPU, RAM, GPU, độ phân giải màn hình, pin… Bên cạnh đó, app còn hiển thị xung nhịp của CPU và số nhân thực của vi xử lí, cho biết nhân đang chạy với xung nhịp nào (theo thời gian thực)


3. Nếu vì lý do nào đó mà bạn không tải được các phần mềm trên để test

Trong tình huống này, chúng ta vẫn còn cách khác đó là bạn vào trình quay số (dialer) và ứng với các dòng máy khác nhau sẽ có những tổ hợp phím khác nhau để để vào màn hình test thiết bị (một số ROM Cook không áp dụng cách này được), trong này đều có các nội dung test hầu như đều giống nhau và rất đầy đủ như test màn hình, cảm ứng, các cảm biến, gps, wifi, camera, loa, rung, phím.v.v…). Chỉ cần có 1 chút kiến thức tiếng anh và để ý là bạn sẽ làm được.

1. Đối với máy các dòng Samsung bạn bấm tổ hợp phím: *#0*#

2. Đối với các máy LG bạn bấm tổ hợp phím: 3845#*XXX#
Trong đó, XXX là mã của máy, ví dụ: 3845#*975#. Các bạn có thể thấy rằng số 975 ở đây là mã của LG Optimus 2X , Optimus 3D (920) , Optimus 4X HD (880) , Optimus HD LTE (930). Các mã này có thể xem được dễ dàng trên Google, chỉ cần tìm kiếm theo cách ở trên là ổn.



3. Đối với các máy Sky Pantech: ##1199. Lưu ý: nếu không có sim thì chọn mục Input, rồi bấm ##1199.


4. Đối với các máy HTC *#*#3424#*#*
Lúc này máy của bạn sẽ hiện ra 2 lựa chọn là ACCEPT và CANCEL, các bạn chọn ACCEPT thì máy sẽ hiện ra 1 bảng gồm nhiều phần để test. Kế tiếp, các bạn chọn Select All để chọn hết sau đó chọn Run => Sau đó chỉ cần làm theo hướng dẫn hiện ra trên màn hình là xong

5. Đối với các máy Sony Xperia *#*#7378423#*#*